Lời “cảm ơn” có tác dụng tích cực đối với cả người nói và người nghe, và đó cũng là một từ khóa để tạo dựng một cuộc sống tích cực hơn. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu sức mạnh to lớn của “cảm ơn” và lợi ích của việc cha mẹ cũng bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích đối với con cái .
Bạn nói “cảm ơn” bao nhiêu lần mỗi ngày?
Có không ít những gia đình mà ba mẹ thường hay quát mắng và đè nặng áp lực lên con cái hơn là việc để ý dành cho con lời “cảm ơn” hoặc thể hiện sự cảm kích tự hào về con. Suy cho cùng, cha mẹ dường như chỉ nói cảm ơn một cách tự nguyện nhất với con khi chúng làm gì đó giúp mình hoặc tặng quà cho mình.
Một số người có thể cảm thấy ái ngại khi nói “Cảm ơn” với suy nghĩ rằng đã là thành viên trong gia đình thì không quan trọng, lý do luôn là “cũng là ba mẹ con cái với nhau thôi mà” hay như “vì là vợ chồng mà nên không cần thiết”. Tuy nhiên, dù có biết ơn đến đâu thì cũng hoàn toàn vô nghĩa nếu chúng ta không thể hiện nó thành lời.
Đôi khi, chỉ một câu cảm ơn thôi cũng có thể giúp xây dựng mối quan hệ vợ chồng tốt đẹp hơn. Giáo sư Toshiyuki Shiomi, một giáo sư danh tiếng tại Đại học Tokyo đồng thời là một học giả giáo dục, đã viết trong cuốn sách của ông rằng “Lời nói “Cảm ơn” có lẽ là một thử thách rất lớn đối với cánh đàn ông – những người không giỏi bày tỏ lòng biết ơn và khen ngợi người khác. Trở ngại này như một bức tường vô hình mà có lẽ không nhiều người để ý tới”.
Theo Tiến sĩ Shiomi, nếu người chồng thường xuyên nói câu “Cảm ơn” dành cho những gì vợ đã làm cho mình, thì ngược lại người vợ cũng sẽ cảm thấy vui vẻ để hoàn thành tiếp các công việc và dành nhiều tình cảm yêu thương hơn nữa cho chồng. Và cứ như thế, một chu kỳ cảm xúc được tạo ra, mọi người sẽ dễ dàng bày tỏ tâm tư cảm xúc với nhau, giúp tình cảm gia đình trở nên sâu sắc hơn.
Tất nhiên, điều tương tự cũng áp dụng cho mối quan hệ cha mẹ – con cái. Theo đó, hàng ngày nếu cha mẹ cố gắng bày tỏ sự biết ơn của họ đối với con cái thì hoàn hoàn toàn có thể mong đợi những “tác động tích cực” đối với con cái ngoài sức tưởng tượng.
“Cảm ơn!” Để nâng cao năng lực tự khẳng định của trẻ
Những lời “cảm ơn” của cha mẹ có tác động tích cực như thế nào đến con cái? Sau đây chúng ta hãy cùng phân tích bằng những ví dụ cụ thể.
“Cảm ơn vì đã được sinh ra”
Ông Toshinori Iwai – cố vấn giáo dục cấp cao chia sẻ rằng “Khi ba mẹ nói với con mình những câu nói mang thông điệp về sự tồn tại như “Đối với ba mẹ con là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, cảm ơn con đã đến với ngôi nhà nhỏ bé này”, “Cảm ơn con, vì đã đến với ba mẹ”, thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đứa trẻ ấy sau này sẽ mang trong mình sự tự tin rất lớn”
Có thể nhiều cha mẹ nghĩ rằng, lẽ đương nhiên là mình luôn mang “Công ơn sinh thành” đối với con cái. Tuy nhiên, nói ra thì thật đáng xấu hổ và chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng chưa thể hành động chuẩn mực trong lời nói. Trên thực tế những lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, nó có thể giúp các con tự nâng cao năng lực khẳng định bản thân cũng như bồi dưỡng thêm sự tự tin.
“Cảm ơn con đã (giúp đỡ /dọn dẹp…)”
Khi bạn nói “Cảm ơn” hoặc “Con đã giúp ba mẹ nhiều” cho những hành động của trẻ như giúp đỡ việc nhà hay dọn dẹp nhà cửa, trẻ sẽ hài lòng vì mình đã làm được việc có ích, giúp được cha mẹ. Theo Giáo sư Hideho Arita – nhà sinh vật học tại Đại học Y khoa Toho, cảm giác ấm áp hạnh phúc khi nhận được lời cảm ơn là bởi sự tiết oxytocin của cơ thể. Oxytocin cũng được chứng minh là có tác dụng tích cực.
Giáo sư Yukari Ido – giảng viên Đại học Tokyo, chuyên gia về tâm lý học lâm sàng cũng đưa ra ý kiến rằng, việc cha mẹ bày tỏ sự cảm kích với trẻ sẽ giúp các con rất nhiều trong việc tự tin thể hiện mình. Điều đó cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp tạo điều kiện để con phát triển tốt các mối quan hệ xung quanh.
Thay đổi câu khen “tuyệt vời” thành lời “cảm ơn”
Erika Takeuchi, Chủ tịch Hiệp hội Trẻ em Nhật Bản chia sẻ: “Những đứa trẻ luôn nhận được từ “tuyệt vời” để đánh giá hành vi thì chúng sẽ trở nên quan tâm hơn đến việc đánh giá và cố gắng để nhận được câu khen đó. Chúng sẽ chỉ thể hiện qua hành động bên ngoài, tuy nhiên sẽ không có chiều sâu”.
Khi khen con, các ông bố bà mẹ dường như chỉ hay nói câu “tuyệt vời”, nhưng cần lưu ý rằng lời nói “cảm ơn” mới thực sự có giá trị. Điều đó sẽ giúp đứa trẻ sau này lớn lên trở thành một người có lòng trắc ẩn và tự nguyện làm mọi thứ một cách thoải mái nhất với bản năng mong muốn “giúp đỡ ai đó”.
“Cảm ơn con đã giúp đỡ mẹ/ba. Cảm ơn con nhiều lắm.”
Daiji Akehashi – bác sĩ tâm lý, tác giả của bộ sách “Lời khuyên hạnh phúc khi nuôi dạy trẻ”, cho biết “Cảm ơn” là từ dễ dàng và hiệu quả nhất để nuôi dưỡng ý thức khẳng định bản thân ở trẻ.
Câu “Cảm ơn” không đơn thuần chỉ là một lời cảm ơn, mà đồng thời đó cũng là một từ công nhận giá trị sự tồn tại của người đó và nâng cao sự khẳng định bản thân. Đứa trẻ sẽ nhận thức được rằng “bản thân mình có thể giúp đỡ người khác” và “Mình cũng có ích” dẫn đến nguồn năng lượng tích cực để xây dựng cuộc sống.
“Cảm ơn con đã giúp mẹ lúc mẹ bận”
Ông Iwai cũng có nói rằng: ” Nếu bạn muốn một đứa trẻ có được tính cách tử tế và chu đáo, bạn nên chú ý đến những “hành vi dựa trên sự đồng cảm” của đứa trẻ và cảm ơn bé”.
Ví dụ, khi thấy cha mẹ hoặc anh chị em đang gặp khó khăn, con tự động đến giúp đỡ ngay cả khi chúng ta không yêu cầu. Cha mẹ hãy công nhận hành động của con và bày tỏ sự cảm kích của mình, chẳng hạn như “Cảm ơn con đã để ý giúp đỡ ba mẹ nhé!” và “Ồ em trai đang gặp khó khăn gì à, mẹ thậm chí còn không nhận thấy. Cảm ơn con đã giúp em và giúp mẹ nhé.”
“Biết ơn” tạo ra một trạng thái tích cực
Biết ơn mọi người và nói với họ một cách thật lòng tưởng chừng như có vẻ dễ dàng, nhưng trên thực tế lại khó một cách không tưởng. Cảm ơn cũng là một năng lực, nếu bạn không đủ khả năng, bạn sẽ không thể nói “cảm ơn”. Tuy nhiên, “lời cảm ơn” và “ân nghĩa” lại có ảnh hưởng rất sâu sắc đến hạnh phúc của cuộc đời của một người.
Robert Emmons, nhà tâm lý học tích cực tại Đại học California – Davis, cho biết: “Mang trong mình lòng biết ơn, chúng ta sẽ không có những cảm xúc có hại khiến chúng ta rời xa hạnh phúc, chẳng hạn như ghen tị, phẫn uất, hối hận hay trầm cảm. Nói cách khác, điều quan trọng là phải duy trì lòng biết ơn để sống một cuộc sống tích cực hơn.”
Trong thí nghiệm của Khoa Tâm lý Đại học Pennsylvania, Giáo sư Martin Seligman đã thực hiện ở những bệnh nhân trầm cảm, kết quả thu được là “khi lòng biết ơn trở nên mạnh mẽ thì mức độ hạnh phúc cũng sẽ tăng lên, trạng thái trầm cảm giảm đi”.
Trong một nghiên cứu khác của hai nhà tâm lý học Robert Emmons và Michael McCullough, một cuốn nhật ký về lòng biết ơn đã được sáng tạo ra dành cho những người có triệu chứng mất ngủ để cải thiện các triệu chứng và cải thiện chất lượng giấc ngủ của họ. Ngoài ra, một nghiên cứu do Đại học Northeastern tiến hành cũng cho thấy lòng biết ơn có tác dụng tăng khả năng tự chủ .
Từ những kết quả nghiên cứu này, rõ ràng lòng biết ơn giúp bồi dưỡng hạnh phúc của con người và có tác dụng tích cực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không chỉ đối với người lớn, lòng biết ơn mới dẫn đến hạnh phúc. Một cuộc khảo sát đối với học sinh tiểu học do Giáo sư Mitsuru Aikawa, giáo sư khoa học nhân văn tại Đại học Tsukuba (thực hiện năm 2013), đã kết luận rằng lòng biết ơn ở trẻ em chính là chìa khóa để tạo nên một vòng tình bạn tốt đẹp .
Nếu luôn mang trong mình sự biết ơn, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Lòng biết ơn là một sức mạnh tuyệt vời để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, làm phong phú cuộc sống của chúng ta cũng như mang lại niềm hạnh phúc. Những gì mà lòng biết ơn mang lại nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, vì những người hạnh phúc hơn sẽ có nhiều khả năng đạt được kết quả tốt hơn về mọi mặt.
Giáo sư Takashi Maeno, giảng viên tại Trường Đại học Keio, một chuyên gia hàng đầu về “khoa học hạnh phúc” đã minh chứng một cách khoa học cơ chế hạnh phúc của con người, cụ thể như sau.
Ví dụ, những người hạnh phúc có khả năng tự khẳng định bản thân rất cao, hiệu suất công việc cao, mục tiêu rõ ràng, vị tha, lạc quan, hòa đồng và tích lũy được lượng kiến thức hữu ích lớn. Những người đã hạnh phúc ở một mức độ nào đó cũng vẫn có thể trở nên hạnh phúc hơn bằng các biện pháp tâm lý tích cực.
(Nguồn: Takashi Maeno (2017), “Tâm lý học tích cực thực tế: Khoa học về hạnh phúc”, Viện PHP.)
Theo Tiến sĩ Maeno, tâm lý học tích cực là “một giải pháp cho phép những người có trạng thái tâm trí bình thường trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn hiện tại”. Trong khi tâm lý học truyền thống tập trung vào giải quyết các trạng thái tâm lý tiêu cực như bệnh tật và mối lo lắng, thì tâm lý học tích cực hướng tới mục đích “làm cho cuộc sống bình thường trở nên sinh động và tốt đẹp hơn”
——————————
IEB EDUCATION – ƯƠM MẦM VÀ PHÁT TRIỂN
Hotline: 032 736 8086
Trụ sở: Toà nhà Sao Mai – 19 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Email: [email protected]
Fan page: @Innovation.Excellence.Bright